Liên kết web
Bản đồ hành chính
Công báo Bạc Liêu
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam:

Năm 2022
Thứ ba, 01/11/2022, 07:51
Màu chữ Cỡ chữ
Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam:

 

ĐÔI ĐIỀU LUẬN BÀN VỀ MỐI QUAN HỆ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 đều xác định: Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận. MTTQ Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên. 

MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, về bản chất, Mặt trận là một tổ chức liên kết giữa các lực lượng (bao gồm tổ chức và các cá nhân) thành một khối thống nhất để thực hiện mục tiêu chính trị chung của dân tộc đó là độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị duy nhất là thành viên của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) cùng các thành viên khác của Mặt trận (các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cá nhân tiêu biểu) đều phối hợp và thống nhất hành động vì mục tiêu chung của Đảng, của dân tộc là “Độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa”.

MTTQ Việt Nam là bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bản chất là liên minh chính trị của Mặt trận có vai trò to lớn, đó là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Điều 9 Hiến pháp năm 2013).

Là tổ chức liên hiệp tự nguyện, MTTQ Việt Nam thể hiện tính chất xã hội, tính chất nhân dân rộng lớn, ngay từ ngày mới ra đời (ngày 18/11/1930) trong bản Chỉ thị của Đảng về thành lập “Hội phản đế đồng minh” - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với tính chất xã hội của Mặt trận thì tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự nguyện tham gia làm thành viên của MTTQ Việt Nam, tự nguyện thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hoạt động vì mục tiêu chung là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mặt khác, với tính chất tự nguyện, MTTQ là tổ chức rộng lớn bao gồm nhiều lực lượng xã hội, nhiều tầng lớp dân cư khác nhau về lợi ích, nguyện vọng, địa vị xã hội, về ý thức và chính kiến,… thành một khối thống nhất cùng hoạt động nhằm đáp ứng những lợi ích đa dạng của các thành viên, vì một mục đích chung, không có sự đối lập.

Với tính thống nhất trong đa dạng, dựa trên sự liên hiệp mang tính tự nguyện và hiệp thương ý chí của các tổ chức quần chúng nhân dân. Vì vậy, MTTQ Việt Nam có chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp, đoàn kết Nhân dân; động viên hỗ trợ Nhân dân thực hiện dân chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (khoản 1 Điều 8 Luật MTTQ Việt Nam năm 2015); Đồng thời, Nhân dân tham gia tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam thông qua các tổ chức thành viên của Mặt trận, cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp và tham gia hoạt động do MTTQ phát động (khoản 2 Điều 8 Luật MTTQ Việt Nam năm 2015). Bên cạnh đó, Nhân dân tham gia ý kiến phản ảnh kiến nghị với MTTQ Việt Nam về những vấn đề Nhân dân quan tâm để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước (khoản 3 Điều 8 Luật MTTQ Việt Nam năm 2015).

Tính liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các lực lượng cấu thành MTTQ Việt Nam thì Đảng là tổ chức chính trị duy nhất, đồng thời là tổ chức lãnh đạo MTTQ Việt Nam, Đảng giữ vị trí, vai trò lãnh đạo Mặt trận bằng Cương lĩnh, Chiến lược, các định hướng về chủ trương, chính sách phát triển đất nước nói chung, trong đó có công tác Mặt trận. Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hoạt động gương mẫu của Đảng viên trong tổ chức Mặt trận; bằng công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ chủ chốt của Mặt trận,… Thước đo hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận thể hiện ở kết quả MTTQ các cấp phát huy vai trò làm chủ của các tầng lớp Nhân dân, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Đảng là thành viên Mặt trận, là lực lượng hạt nhân trong tổ chức, hoạt động của MTTQ và có nghĩa vụ như mọi thành viên khác; cấp uỷ Đảng cử đại diện tham gia MTTQ có trách nhiệm sinh hoạt đầy đủ, thực hiện hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hoạt động. Các cấp uỷ Đảng giáo dục đảng viên gương mẫu thực hiện Chương trình hành động chung đã được các tổ chức thành viên hiệp thương, thoả thuận và tích cực tham gia công tác Mặt trận tại khu vực dân cư; Đảng tôn trọng độc lập về tổ chức và hoạt động sáng tạo của Mặt trận, lắng nghe ý kiến đóng góp của MTTQ đối với sự lãnh đạo của Đảng và đối với cán bộ, Đảng viên.

Với Nhà nước, MTTQ Việt Nam có mối quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp và pháp luật và quy chế phối hợp công tác do Uỷ ban MTTQ và các cơ quan nhà nước có liên quan ở từng cấp ban hành (khoản 1 Điều 7 Luật MTTQ Việt Nam năm 2015). Mối quan hệ này thể hiện MTTQ là cơ sở chính trị của Nhà nước, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân và có trách nhiệm tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; Mặt khác, Nhà nước, các cán bộ công chức Nhà nước có trách nhiệm và tạo điều kiện cho MTTQ Việt Nam hoạt động theo quy định của pháp luật.

Quan hệ giữa các thành viên trong MTTQ Việt Nam là quan hệ hợp tác, bình đẳng, chủ động phối hợp, tôn trọng lẫn nhau để cùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các chương trình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong sinh hoạt, các thành viên được tự do bày tỏ chính kiến của mình, cùng nhau bàn bạc, hiệp thương dân chủ để đạt tới sự nhất trí, không dùng mệnh lệnh áp đặt. Nếu có những ý kiến khác nhau trên những vấn đề cụ thể thì cùng nhau trao đổi, thuyết phục, giúp nhau giải quyết. Khi phối hợp và thống nhất hành động, các thành viên phải thoả thuận với nhau về Chương trình hành động chung và có nghĩa vụ phối hợp giúp đỡ nhau để thực hiện Chương trình hành động đã được thoả thuận, đồng thời các tổ chức thành viên của Mặt trận vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình.

Trần Doãn Cầm

 

Số lượt xem: 1267

Học tập Danh bạ Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ:  Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại:  0781.3823866. Fax: 0781.3932021  Email: ubmttqbaclieu@yahoo.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Hòa, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh