Liên kết web
Bản đồ hành chính
Công báo Bạc Liêu
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Đồng bào dân tộc Khmer Bạc Liêu cùng vui xuân đón Tết Nguyên Đán Nhâm Dần - 2022

Năm 2022
Thứ sáu, 21/01/2022, 10:05
Màu chữ Cỡ chữ
Đồng bào dân tộc Khmer Bạc Liêu cùng vui xuân đón Tết Nguyên Đán Nhâm Dần - 2022

 

Quang cảnh: Chùa Gho Si Ta Ram (chùa Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi)

trong dịp tết Nguyên đán trang trí, trưng bày để đón các phật tử

và khách du lịch đến lễ Phật trong những ngày đầu năm mới

Bạc Liêu là một trong những tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đã từ lâu, ngày tết Nguyên đán đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng trong năm của đồng bào Khmer nơi đây. Theo quan niệm của người Khmer, đây là cái Tết của sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em cùng chung sống thuận hòa, nghĩa tình trọn vẹn trên dọc dài đất nước hình chữ “S” này.

Trong ngày tết Nguyên đán - cái Tết trong dòng chảy giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, đồng bào Khmer cùng vui xuân đón Tết với người Việt, Hoa, giống như phần đông đồng bào Việt, Hoa ở Bạc Liêu cùng chung vui đón Tết truyền thống Chôl Chnăm Thmây, lễ Sen Đôn Ta, hay lễ hội Óc Om Bóc (cúng Trăng) đua ghe ngo… của đồng bào dân tộc Khmer. Chính sự gần gũi trong quan niệm đã tạo nên sự gắn kết, hòa hợp, thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng người Việt, Hoa và Khmer Bạc Liêu.

Vào những ngày giáp tết Nguyên đán, nhà nhà tất bật dọn dẹp, mua sắm, sơn sửa nhà cửa, chăm sóc hoa kiểng, làm nhiều thứ bánh: Bánh tét, bánh ít, bánh củ gừng để cúng ông bà, tổ tiên và để tiếp đãi khách. Riêng các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong dịp tết Nguyên đán đều trang trí, trưng bày bàn thờ Phật thật trang nghiêm để đón các phật tử đến lễ Phật cầu nguyện trong những ngày đầu năm mới. Đặc biệt đồng bào dân tộc Khmer đón tết Nguyên đán với các nghi thức cúng bái có giá trị văn hóa tâm linh luôn hướng về chùa và sau đó mới đến ông bà, tổ tiên.

Điều đó không chỉ góp phần làm đẹp thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc mà còn tạo nên một cái Tết Việt phong phú, nhiều màu sắc. Không nhất thiết phải chưng đủ ngũ quả: cầu, dừa, đủ, xoài như người Việt, người Hoa bà con Khmer dâng cúng tổ tiên những sản vật do chính tay mình trồng được ngay tại vườn nhà như: những hạt nếp sáng bóng, căng tròn để gói bánh tét, bánh ít, những quả đu đủ, quả xoài hay nải chuối,… Tất cả cùng thể hiện lòng hiếu thảo, ước mong gia đình sum vầy, hạnh phúc. Một điều đặc biệt nữa là người Khmer Bạc Liêu không tiến hành nghi lễ đốt vàng mã vào ngày đưa ông Táo về trời hay trong lễ cúng tất niên đêm giao thừa. 

Mùa Xuân về trên khắp mọi nẻo đường, đồng bào Khmer sinh sống tại Bạc Liêu cùng đón tết Nguyên đán trong đầm ấm, vui vẻ và hạnh phúc bởi những chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc đang phát huy hiệu quả, đời sống bà con ngày càng khá lên. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện các chính sách về tôn giáo, dân tộc đã tác động tích cực đến các lĩnh vực sản xuất của đồng bào dân tộc. Từ đó tạo nhiều thuận lợi cho bà con đồng bào Khmer nơi đây. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm chăm lo đến vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, Trung ương và địa phương đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Dự án đặc thù của Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc đề ra, thực hiện các giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer. Cho nên hiện nay, đời sống kinh tế của đồng bào Khmer Bạc Liêu có bước phát triển tích cực, cuộc sống có sự thay đổi rõ nét. Các tuyến đường về vùng đồng bào Khmer được bê tông hoá, trải nhựa, gần 100% hộ được dùng nước sạch hợp vệ sinh.

Ảnh: Các loại hoa tươi thắm phục vụ cho Tết Nguyên Đán

Đêm về, ánh điện chiếu sáng khắp nơi. Hàng năm, con em đồng bào dân tộc được tuyển thẳng, cử tuyển đại học, nhiều em sau khi tốt nghiệp đã trở về phục vụ tại địa phương. Đa phần các hộ nghèo đã có nhà ở khang trang, nghề nghiệp ổn định. Các hộ gia đình phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, cùng đoàn kết, chí thú trong sản xuất kinh doanh, mua bán, đặc biệt là trong dịp Tết, góp phần mang lại sắc Xuân cho vùng đất Bạc Liêu.

Tết Nguyên đán được xem là sự khởi đầu của cả dân tộc Việt Nam cho những điều may mắn, bình an, hạnh phúc và tốt đẹp. Dẫu cho mỗi người ở nơi đâu, bất kỳ ai hay dân tộc nào thì ngày Tết cổ truyền với nét văn hóa đẹp luôn ở trong trái tim mỗi người, trong đó có đồng bào Khmer Bạc Liêu.

Đào Sơn - Ủy ban MTTQVN tỉnh

 

Số lượt xem: 2015

Học tập Danh bạ Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ:  Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại:  0781.3823866. Fax: 0781.3932021  Email: ubmttqbaclieu@yahoo.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Hòa, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh