null
Bạc Liêu: Trang nghiêm tổ chức Đại lễ Vu lan - Báo hiếu
Năm 2022
Thứ sáu, 12/08/2022, 14:08
Màu chữ
Cỡ chữ
Bạc Liêu: Trang nghiêm tổ chức Đại lễ Vu lan - Báo hiếu
Ngày 08/08/2022, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh trọng thể đã tổ chức lễ tạ pháp khóa An cư kiết hạ và Đại lễ Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2566trong không gian trang nghiêm tại Hội trường Trụ sở Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, chùa Long Phước, Phường 5, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Ảnh: Đ/c Kim Miên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
tặng quà chúc mừng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức Đại lễ Vu Lan năm 2022
Tham dự có ông Kim Miên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ông Trương Công Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng quý vị lãnh đạo thành phố Bạc Liêu và phường 5, thành phố Bạc Liêu.
Chứng minh, tham dự có Hòa thượng Hữu Hinh, Hòa thượng Lý Sa Mouth, đồng Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh; Thượng tọa Thích Giác Nghi, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chư tôn đức trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh; Chư tôn đức Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố và đông đảo chư tôn đức, tăng ni, cư sĩ, phật tử trong tỉnh tham dự.
Rất nhiều nghi thức, hoạt động trang trọng, ý nghĩa đã diễn ra tại buổi lễ gồm: Chương trình văn nghệ với chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành”; nghi thức niệm Phật cầu gia hộ, phút tưởng niệm nhằm tưởng nhớ đến những hy sinh cao cả của Chư vị Thánh đạo, các bậc tiền bối hữu công, anh linh chiến sĩ đã vị quốc vong thân, đồng bào đã gian khổ cống hiến trọn đời cho dân tộc và đạo pháp.
Sau phần các nghi thức, Thượng tọa Thích Giác Nghi - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, tuyên bố kết thúc khóa An cư Kiết hạ và khai mạc Đại lễ Vu Lan, Thượng tọa Thích Giác Nghi cho biết: Bông hoa hồng được coi là biểu tượng của tình yêu, đồng thời còn tượng trưng cho sự cao quý, tri ân và báo hiếu trong mùa lễ Vu Lan. Với ý nghĩa cao đẹp đó, vào mỗi dịp lễ Vu Lan, các ngôi chùa đều tổ chức nghi thức cài hoa hồng. Việc nhớ về đấng sinh thành và cài lên ngực đóa hoa hồng cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ “hiếu” mà con cái gửi đến cha mẹ.
Tại buổi lễ, những người con hạnh phúc khi vẫn còn được sống trong tình thương trọn vẹn của cha mẹ, hay những người kém may mắn hơn vì mất đi đấng sinh thành đều không kìm được sự xúc động khi cảm niệm về công đức sinh thành, dưỡng dục và tình yêu thương bao la không gì đong đếm được của cha mẹ.
Sự thăng hoa của cảm xúc khi những giỏ hoa hồng được đưa vào lễ đường. Mỗi người trân trọng chọn cho mình đóa hồng đỏ khi vẫn còn cha mẹ bên mình; người thì nén nỗi buồn thương khi cầm đóa hồng nhạt màu hơn vì đã mất đi một người cha hoặc mẹ; không ít người nén nước mắt rón rén chọn đóa hồng trắng vì đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Dù phải chọn màu nào nhưng những đóa hồng cài trên ngực áo trong đại lễ Vu lan đều thể hiện lòng tôn kính. Đó là ân, là nghĩa mà ai trong mỗi chúng ta cũng ôm ấp, ưu tư và hằng mong được báo đáp.
Lễ Vu Lan là ngày lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con hiếu thảo trên đời này. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái nghĩ nhớ đến công ơn sinh thành của cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ một tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng trân trọng và nhận thức sâu sắc về cha mẹ, mùa Vu Lan về càng nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu để báo đáp thâm ân của cha mẹ, thờ kính cha mẹ đã trở thành một đạo lý sống “tốt đời, đẹp đạo” của dân tộc Việt Nam.