Liên kết web
Bản đồ hành chính
Công báo Bạc Liêu
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền tại kỳ họp lần thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, 6 tháng đầu năm 2022

Năm 2022
Thứ hai, 25/07/2022, 09:43
Màu chữ Cỡ chữ
Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền tại kỳ họp lần thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, 6 tháng đầu năm 2022

Ngày 14/7/2022 kỳ họp lần thứ 5 (kỳ họp thường lệ 6 tháng đầu năm 2022), Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa X chính thức khai mạc. Ông Nguyễn Văn Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trân trọng thông báo một số tình hình, kết quả hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh về công tác tham gia xây dựng chính quyền, đồng thời đề xuất một số vấn đề mà cử tri ở các địa phương trong tỉnh quan tâm. 

Trước hết, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh bày tỏ sự thống nhất và đánh giá cao sự quản lý, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Ủy ban nhân dân tỉnh và của các cấp, các ngành trong tỉnh. Những kết quả đạt được trong 6 tháng qua là rất quan trọng, bởi lẽ đây là những tiền đề, những định hướng cụ thể cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022. Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy; sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, tổ chức thực hiện có hiệu quả của Ủy ban nhân dân tỉnh; cùng với sự quyết tâm, phấn đấu của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, của doanh nghiệp đã tận dụng tốt thời cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực. Từ đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt khá cao (đứng thứ 3 khu vực), tăng 7,45% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công cách mạng và việc thực hiện an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế được quan tâm thực hiện tốt; tình hình tổ chức bộ máy và hoạt động các cơ quan chuyên môn của các cấp chính quyền cơ bản ổn định; công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, Quốc phòng – an ninh được tăng cường.

Về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid – 19: Cử tri và Nhân dân trong tỉnh đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, tỉnh đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid- 19, phục hồi phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, nhất là công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân cùng cộng đồng trách nhiệm, tích cực tham gia tiêm phòng đủ liều vắc xin đề phòng cảnh giác trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ xấu; vận động các tổ chức, doanh nghiệp chủ động, tự giác, tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội.

Về tình hình các tầng lớp Nhân dân: Đa số cử tri và Nhân dân phấn khởi, tin tưởng và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng, chỉnh đốn đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; luôn quan tâm chăm lo gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công và hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, Nhân dân đánh giá cao các hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh.

Tuy nhiên, một bộ phận Nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng trước những khó khăn, thách thức như: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với đó là giá nguyên nhiên, vật liệu (như: xăng, dầu, phân bón, sắt, thép,...) tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp và đời sống người dân, cũng như tiến độ thực hiện các công trình, dự án; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn còn ở thứ hạng thấp (năm 2021 đứng thứ 55/63 tỉnh, thành phố). Tình hình dịch bệnh Covid – 19 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát trở lại, dịch bệnh số xuất huyết tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn lực các cơ sở khám chữa bệnh công lập còn hạn chế, thiếu trang thiết bị y tế hiện đại và nhân lực có trình độ chuyên môn sâu; lực lượng y tế bị quá tải. Về giáo dục, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên tại một số các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; số trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia đã hết thời gian được công nhận, khả năng tái công nhận khó đạt theo tiêu chí mới. Thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa bão thất thường làm ảnh hưởng đến trồng trọt, nuôi tôm; giá cả vật tư đầu vào tăng cao, chất lượng không đảm bảo, thị trường tiêu thụ còn khó khăn. Công tác bảo vệ môi trường, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động có mặt còn hạn chế; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tình trạng vi phạm trật tự trong xây dựng, trật tự an toàn giao thông còn xảy ra tương đối nhiều; tình hình khiếu kiện đông người tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra, có một số vụ việc tồn động khá lâu và rất phức tạp chưa được giải quyết dứt điểm.

 Về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có bước phát triển khá: Các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, dân tộc trong tỉnh tiếp tục ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường và mở rộng; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên được triển khai thực hiện có hiệu quả. Một số công việc nổi bật như: Hướng dẫn Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2022 – 2027; tổ chức triển khai, quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, tỉnh cho các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tỉnh; phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức thành công năm Dân vận khéo tại xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình; phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và ký kết Quy chế phối hợp công tác trong thời gian tới. Phối hợp chặt chẻ với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các ngành chức năng của tỉnh, trong công tác tiếp xúc cử tri, phối hợp giám sát và đối thoại với nhân dân. Cũng cố, kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, các “Nhóm tiêu biểu”, tham gia hòa giải ở cơ sở. Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn mới. Tổ chức vận động quỹ vì người nghèo, xây dựng và sửa chữa nhà Đại đoàn kết, nhà ở cho người nghèo cơ bản đạt yêu cầu; phối hợp tổ chức thăm và tặng quà cho hộ gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, các tôn giáo, dân tộc nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và các ngày lễ trọng. Chủ trì và phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, thành lập 14 Đoàn giám sát và tổ chức giám sát 53 cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến quá trình thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức giám sát công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 tại một số xã và các huyện trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra trực tiếp công tác vận động, quản lý, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” và công tác cứu trợ các cấp trong tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021 tại các huyện, thị xã, thành phố; đã góp ý, phản biện được 181 văn bản có liên quan đến dự thảo về Dự án Luật, Đề án, Chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức 01 Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định giá dịch vụ xét nghiệm Sars-Cov-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát một số lĩnh vực mà cử tri quan tâm; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại Trại tạm giam công an tỉnh và Nhà tạm giữ Công an các huyện, thị xã, thành phố; kiểm sát trực tiếp cơ quan thi hành án hình sự, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan Cảnh sát Điều tra và An ninh Điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu.

Qua theo dõi tình hình dư luận trong nhân dân cũng như tại các cuộc hội nghị tiếp xúc cử tri vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xin phản ánh một số ý kiến, kiến nghị trọng tâm của cử tri như sau:

Về Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cử tri phản ánh, kiến nghị: Trong năm 2021 có nhiều hộ dân bị thiêu hủy lợn do dịch tả lợn Châu phi, đến nay còn 101.596 kg chưa nhận được hỗ trợ, đề nghị tỉnh sớm xem xét hỗ trợ để người dân có nguồn vốn tái sản xuất. Nhà nước đã hỗ trợ cho bà con nông dân con tôm giống được sản xuất tại địa phương nuôi rất có hiệu quả; tuy nhiên, thời gian gần đây con giống nhập từ ngoài tỉnh (Bình Thuận) về địa phương hỗ trợ cho người dân nhưng do điều kiện tự nhiên và nguồn nước không thích ứng nên nuôi không đạt. Do đó, cử tri kiến nghị nên lựa chọn Tôm giống sản xuất tại địa phương nuôi mới đạt hiệu quả. Ngành chức năng xem xét điều chỉnh lịch mở cống cho phù hợp để người dân thuận tiện trong nuôi trồng thủy sản. Việc điều tiết nước cho nhân dân sản xuất mỗi tháng 02 lần là chưa đảm bảo, đề nghị điều chỉnh tăng lên 03 lần/tháng. Xem xét hỗ trợ phần nghêu chết Hợp tác xã nuôi nghiêu Đồng Tiến do bị ảnh hưởng khi triển khai dự án Điện gió Hòa Bình 2, để hợp tác xã và xã viên có điều kiện khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Về phát triển công nghiệp, thương mại đa số cử tri trong tỉnh tiếp tục phản ánh, kiến nghị: Giá vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi), vật tư xây dựng, giá điện, xăng, dầu,… liên tục tăng, trong khi giá sản phẩm “đầu ra” của người dân và doanh nghiệp thấp, không ổn định. Nhà nước quan tâm, có giải pháp kiểm soát tốt giá cả nguyên liệu “đầu vào” và có giải pháp hỗ trợ sản phẩm đầu ra, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Việc thu tiền điện phải qua Bưu điện xã gây bất tiện cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, đề nghị nên thu tiền điện tại nhà như trước đây. Đồng thời cử tri kiến nghị tỉnh có giải pháp kéo điện cho một số tuyến chưa có điện nhằm phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho bà con.

Về xây dựng cơ bản, phát triển kết cấu hạ tầng cử tri kiến nghị: Tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Ngan Dừa - Ninh Hòa - Ninh Quới để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho Nhân dân. Quá trình thi công điện gió làm hư hỏng một số đoạn trên tuyến đường Giồng Nhãn - Gò Cát (đoạn thuộc địa bàn xã Vĩnh Hậu A), đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Dự án khu tái định cư (thuộc dự án di dân ra khỏi rừng phòng hộ) xây dựng đã lâu đến nay vẫn chưa hoàn thành, hiện nay hầu hết bà con là đối tượng được di dời mong muốn sớm được vào khu tái định cư, đề nghị tỉnh chỉ đạo sớm hoàn thành dự án trên, để người dân được ổn định cuộc sống, việc này đã kiến nghị nhiều năm, nhưng xử lý quá chậm. Mặt khác, các chức năng xem xét sửa chữa, nâng cấp, đẩy nhanh tiến độ một số tuyến đường và cầu đã và đang thi công. Tỉnh sớm chỉ đạo xây dựng thông tuyến đường Quảng Trường Hùng Vương – Võ Văn Kiệt hiện còn 02 hộ dân không chấp hành giải phóng mặt bằng.

Về tài nguyên - môi trường cử tri phản ảnh, kiến nghị: Hiện nay tình trạng xả thải của những hộ nuôi tôm công nghệ cao chưa qua xử lý, các hộ nuôi tôm siêu thâm canh xử lý nước thải chưa tốt, kể cả các nhà máy xí nghiệp dọc theo tuyến quốc lộ 1A xả thải ra sông gây ô nhiễm môi trường nước, làm ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm xung quanh. Sông Bạc Liêu (tuyến Quốc lộ 1A sông Bạc Liêu - Cà Mau) hiện nay bị ô nhiễm do xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra cử tri chưa đồng thuận cao việc quy định 1.000m2 mới được tách thửa đối với đất nông nghiệp gây khó khăn cho người dân, vì hiện tại có những hộ diện tích nhỏ hơn muốn tách thửa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được và kiến nghị xem xét giảm diện tích thửa để người dân được tách thửa dễ dàng. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước và môi trường trên kênh Tân Tạo do nước thải khu dân cư Tràng An, bãi rác Tân Tạo gây ra làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người dân.

Về Tài chính, tín dụng cử tri phản ánh, kiến nghị: Thời gian qua một số hộ dân lắp đặt mái nhà năng lượng mặt trời, việc sử dụng điện tiết kiệm được rất nhiều chi phí, đề nghị ngành Ngân hàng xem xét, bố trí nguồn vốn vay để người dân được tiếp cận lắp đặt mái nhà năng lượng mặt trời. Việc xây dựng nhà ở đối với người có thu nhập thấp trong gói 30.000 tỷ còn nhiều thủ tục rườm rà, kiến nghị tỉnh xem xét giảm bớt các thủ tục để người được tiếp cận nguồn vốn trên. Trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến hoạt động của các Doanh nghiệp, Nhà nước đã xem xét hỗ trợ lãi suất Ngân hàng cho các Doanh nghiệp nhưng người dân vay vốn của ngân hàng thì không được hỗ trợ giảm lãi suất, đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn cho người dân để người dân thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Ngân hàng.

Về Y tế đa số cử tri kiến nghị: Khám chữa bệnh thanh toán bảo hiểm y tế bổ sung thêm ngày thứ 7 và chủ nhật. Việc cấp phát thuốc khi người dân tham gia khám bệnh bằng bảo hiểm y tế không đầy đủ, có một số loại thuốc người bệnh phải tự mua bên ngoài, nhất là tình trạng thiếu thuốc của Trạm y tế xã, gây bức xúc trong nhân dân, đề nghị xem xét, có biện pháp giải quyết vấn đề trên. Ủy ban nhân dân tỉnh có chính sách hỗ trợ cho quân nhân xuất ngũ về được hưởng bảo hiểm y tế.

Về giáo dục cử tri đề nghị: Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ xem xét mở lớp dạy tiếng song ngữ cho con em là dân tộc Khrmer ở một số ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer.

Về Xây dựng chính quyền đa số cử tri trong tỉnh kiến nghị: Tỉnh xem xét điều chỉnh tách riêng chốt Bí thư Chi bộ và Trưởng khóm, ấp; bố trí thêm 01 phó ấp ở các địa bàn dân cư; nâng mức phụ cấp và bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và khóm, ấp; hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho người trực tiếp tham gia các công việc ở khóm, ấp; đồng thời kiến nghị tỉnh xem xét h trợ BHYT cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi ngh việc. Ngoài ra, Việc giao cho Bưu điện cấp phát tiền trợ cấp hàng tháng cho các gia đình chính sách cần được xem xét chấn chỉnh vì Bưu điện yêu cầu người dân phải đến Bưu cục để nhận nên bất tiện cho người dân (so với trước đây) và tốn kém chi phí đi lại trong khi số tiền trợ cấp không lớn. Khi làm căn cước công dân, người dân đã nộp phí, nhưng đến khi nhận giấy căn cước tại xã thì phải đóng thêm phí (trên 20.000 đồng/người), trong khi theo hướng dẫn ban đầu là người dân nhận qua Bưu điện. Đề nghị tỉnh kiểm tra, chấn chỉnh việc này để tránh gây phiền hà, tốn kém cho người dân; Xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện để sinh viên sớm có việc làm, ổn định cuộc sống...

Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kiến nghị 04 vấn đề sau:

1. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, sớm giải quyết những phản ánh, đề xuất của cử tri và Nhân dân liên quan đến mọi lĩnh vực mà Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa thông báo đến kỳ họp. Đồng thời, tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu sở, ngành, địa phương về sự chậm trễ trong việc giải quyết, trả lời ý kiến cử tri.

2. Theo quy định Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, ngày 06/3/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp và mức khoán kinh phí đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và khóm, ấp trên địa bàn tỉnh thì mức bồi dưỡng hàng tháng cho người trực tiếp tham gia công việc ở khóm ấp như: Bí thư đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chi Hội trưởng Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Phụ nữ, Chi hội trưởng Nông dân là 750.000 đồng/tháng và Chi Hội trưởng Người cao tuổi là 400.000 đồng/tháng. Nhưng hiện nay công việc ở khóm, ấp ngày càng nhiều, giá cả ngày càng tăng. Do đó, Ban Thường thường Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét nâng mức bồi dưỡng hàng tháng cho các chức danh trên, nhằm khích lệ, động viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

3. Đề nghi Ủy ban nhân dân tỉnh có giải pháp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, cây, con giống nuôi trồng và ổn định giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh.

4. Theo định mức quy định tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh so với tình hình thực tế hiện nay các đơn vị, địa phương gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, so với các định mức phân bổ kinh phí của Bạc Liêu với một số tỉnh lân cận khá thấp. Do đó đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh nâng định mức phân bổ kinh phí chi thường xuyên hàng năm; đồng thời xem xét cấp kinh phí tiền lương theo biên chế được duyệt nhằm đảm bảo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Kim Tuyến

Số lượt xem: 1628

Học tập Danh bạ Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ:  Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại:  0781.3823866. Fax: 0781.3932021  Email: ubmttqbaclieu@yahoo.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Hòa, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh